Không biết có từ bao giờ nhưng đến nay, làng nghề truyền thống sản xuất bánh phồng Sơn Đốc ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã trở nên nổi tiếng không chỉ vùng ĐBSCL mà còn có mặt ở một số nơi trong cả nước,thậm chí ra cả nước ngoài.
Chiếc bánh phồng Sơn Đốc ngày càng thơm ngon, đậm đà hương vị của xứ Dừa và trở thành món quà xuân, phổ biến trong những ngày Tết ở vùng miệt vườn sông nước Nam bộ.
Phơi bánh phồng là một hình ảnh đặc trưng của làng nghề bánh phồng Sơn Đốc.
Trong những ngày cận Tết, không khí lao động sản xuất ở làng nghề bánh phồng Sơn Đốc rất rộn ràng. Từ 3 giờ sáng mọi người đã dậy để bắt tay vào làm bánh phồng. Âm thanh “thình thịch” của tiếng chày quết bánh, tiếng nói cười rộn rã của những người thợ bánh đã xua tan đi bao nỗi mệt nhọc để sản xuất ra nhiều chiếc bánh phồng đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp; phục vụ cho mọi người vui xuân, đón Tết.
Theo phong tục của người Việt Nam, trên bàn thờ cúng gia tiên những ngày Tết thì các gia đình luôn bày đầy đủ các món ăn, đặc sản quê hương để đơm cúng ông bà, thể hiện tấm lòng yêu kính đối với tổ tiên. Nhiều gia đình ở Nam bộ, cùng với thịt cá, hoa quả còn có chiếc bánh tráng, bánh phồng cũng được bày biện trên bàn thờ để cúng kiếng
Ông Phạm Văn Hát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bánh phồng Sơn Đốc cho biết: “Gia đình ông đã có 3 đời làm bánh phồng. Trước đây sản xuất bánh bằng thủ công, nay chuyển sang sản xuất bằng máy móc nên sản lượng, chất lượng bánh tăng lên. Vào dịp Tết này, gia đình ông cho ra lò hơn 20.000 bánh phồng để cung ứng cho thị trường, tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường”.
Công việc cán bánh đòi hỏi những đôi bàn tay khéo léo của các bà, các chị.
Theo ông Hát, để có chiếc bánh phồng chất lượng thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nếp dùng làm bánh nhất thiết phải là nếp hảo hạng, còn dừa lấy nước cốt chỉ chọn loại dừa mới khô. Ngoài ra, bánh ngon hay không tùy thuộc người trở bột, phải trở đều, nhanh và liên tục thì bột mới nhuyễn, bánh khi nướng mới nổi, xốp được. Khi cán bánh, người bóc bột phải bóc đều cho từng viên bột có trọng lượng như nhau, phải thiệt khéo để cho bánh tròn đều.
“Vào dịp Tết này, bà con tấp nập để tranh thủ có hàng giao cho khách hàng các tỉnh bạn và địa phương dịp Tết. Nếu mà được cái bánh phồng ngon thì mình lựa khâu nếp. Nếp phải rặt, dừa khô vừa rám vàng để nước cốt nhiều thì bánh sẽ ngon, nâng chất lượng cái bánh. Chúng tôi sẽ giữ vững truyền thống, thương hiệu làng bánh phồng Sơn Đốc”.
Hiện xã Hưng Nhượng có hơn 30 hộ dân chuyên làm bánh phồng thương phẩm. Không khí làm việc tại các lò bánh dịp Tết này luôn tất bật. Người thì nhóm bếp nấu nếp quết bánh, người vắt nước cốt dừa, người thì cán bánh. Mùi thơm của nước cốt dừa tươi cùng những gia vị hòa quyện vào nhau thơm lừng. Bánh phồng Sơn Đốc có nét khác biệt và ngon hơn nhiều loại bánh phồng nơi khác, bởi có các chất hỗn hợp như: nước cốt dừa, đậu xanh, chuối, hành lá… Khi thưởng thức bánh phồng Sơn Đốc, mọi người sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon bởi tinh túy của nước cốt dừa, xốp dẻo và béo, rất khó lẫn với bất cứ thứ quà quê nào khác.
Bánh phồng Sơn Đốc hiện làm bằng 2 loại bột: bột nếp và bột khoai mì kèm theo các phụ liệu như: mè, đậu xanh, sầu riêng, mít, nước cốt dừa, hột gà, lá hành tươi, đường… Qua đó, cho ra lò hơn 10 loại bánh khác nhau. Tùy vào thị hiếu và đơn đặt hàng của khách mà chủ cơ sở sẽ sản xuất ra những chiếc bánh phồng theo yêu cầu. Do đó, có chiếc bánh phồng thơm ngon để cúng gia tiên dịp Tết hay trong bữa ăn của mỗi gia đình càng thêm ý nghĩa.
Một quán bán bánh phồng ở Sơn Đốc.
Ông Lê Văn Yến, người dân tỉnh Bến Tre cho biết, năm nào, trước Tết cũng đến làng nghề Sơn Đốc truyền thống này mua về sử dụng trong gia đình và làm quà biếu Tết cho người thân.
Theo các hộ dân nơi đây, làm chiếc bánh phồng rất kỳ công, phải qua hơn 10 công đoạn: gạo nếp hay bột mì phải giã thành xôi, cho vào cối “quết” nhuyễn cùng với các phụ liệu khác, rồi mới cán mỏng đem phơi…
Dù chưa phải là nghề có thu nhập cao nhưng người dân xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã duy trì nghề truyền thống làm bánh phồng qua bao thế hệ. Sản xuất bánh phồng không chỉ có thêm nguồn thu nhập cho bà con mà còn là trách nhiệm của người dân nơi đây, phải làm ra những sản phẩm mang hương sắc miệt vườn phục vụ mọi người khi xuân về, Tết đến.
Để duy trì và phát triển làng nghề sản xuất bánh phồng, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, năm 2014, xã Hưng Nhượng đã thành lập Hợp tác xã Bánh phồng Sơn Đốc với 10 thành viên. Trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã cấp chứng nhận cho Làng nghề truyền thống này.
Hiện tại, chiếc bánh phồng Sơn Đốc đã có mặt trên nhiều địa phương trong cả nước; trong đó tiêu thụ mạnh nhất là TP HCM và các tỉnh miền Trung. Nhiều khách Việt kiều khi về nước cũng đặt mua bánh phồng Sơn Đốc mang về như mang theo một chút tình quê hương xứ dừa. Hiện nay, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đang được xúc tiến xây dựng thương hiệu độc quyền.
Bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nhượng cho biết: “Đảng ủy, UBND xã Hưng Nhượng xác định làng nghề bánh phồng truyền thống Sơn Đốc là một trong những kinh tế nổi trội của địa phương. Trên cơ sở đó thì cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để bánh phồng xâm nhập vào các thị trường lớn như là siêu thị tiến tới xuất khẩu, làm sao cho người sản xuất bánh trên địa bàn xã có thể sống được với nghề bánh phồng này”.
Bánh phồng Sơn Đốc là sản phẩm nghề nổi tiếng của quê hương xứ Dừa – Bến Tre đã khá quen thuộc với du khách gần xa. Chiếc bánh mộc mạc ấy đã dâng tặng cho đời những hương vị ngọt ngào, thấm đậm tình người, tình đất, tình quê. Thưởng thức chiếc bánh phồng thơm, giòn trong những ngày Xuân về, Tết đến, mọi người sẽ cảm nhận được công sức của những bàn tay khéo léo, tinh thần chịu thương chịu khó của người dân làng nghề miệt vườn sông nước Cửu Long, đã góp phần làm cho ngày xuân thêm ý nghĩa./.